Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao các sản phẩm rác thải điện tử tại các điểm thu hồi và doanh nghiệp làm ra sản phẩm chính là người có trách nhiệm xử lí khối rác thải điện tử.
Tại “diễn đàn về việc tái chế trong hoạt động chuỗi cung ứng ở Việt Nam năm 2015” Vietnam Supply Chain đã cập nhật quyết định 50/2013/QD-TTg của thủ tướng chính phủ về việc thu hồi và xử lí sản phẩm thải bỏ và định hướng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thông qua những chia sẻ thực tế, những câu chuyện thành công của các chuyên gia về việc tái chế trên thế giới. Chương trình nhận được những sự chia sẻ từ các chuyên gia đến từ: Baker & Mc.Kenzie Vietnam, Reverse Logistic GmbH, RAPI…
Theo Điều 5.1 của QĐ 50/2013/QĐ-TTg: Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao các sản phẩm thải bỏ tại các điểm thu hồi. Cụ thể trong bảng phụ lục danh mục sản phẩm thải bỏ, thời điểm thu hồi và xử lí được ban hành kèm theo Quyết định, từ ngày 1/1/2015 sẽ tiến hành thu hồi những sản phẩm như: ắc-quy, pin, bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang, máy vi tính (để bàn, xách tay), màn hình vi tính, cục CPU, máy in, máy fax, máy scanner, máy chụp ảnh, máy quay phim, ĐTDĐ, máy tính bảng, đầu DVD, VCD, CD, các loại đầu đĩa khác đã hết thời hạn sử dụng.
Cũng theo quy định này, trách nhiệm xử lí khối rác thải điện tử là của các doanh nghiệp làm ra nó.Theo đó, các DN sản xuất và nhập khẩu những thiết bị này sẽ có trách nhiệm thiết lập các điểm thu hồi, thỏa thuận với những tiêu dùng về cách thức chuyển giao, tiếp nhận sản phẩm thải bỏ, sau đó vận chuyển những sản phẩm này đến các cơ sở xử lí để tái sử dụng, tái chế, tiêu hủy…
Như vậy, nhà sản xuất và nhập khẩu sẽ đi thu gom trong khi hệ thống cửa hàng là nằm trong tay nhóm phân phối, đại lí, bán lẻ. Con đường thu hồi cũng sẽ dài như con đường của sản phẩm từ xưởng sản xuất đến tay người tiêu dùng.
Hiện nay chi phí để phân phối sản phẩm chiếm khoảng trên 30% giá thành sản phẩm, vậy chi phí cho thu hồi sẽ là bao nhiêu? Không vội bàn đến chi phí thu gom, việc xây dựng lại quy trình vòng đời sản phẩm tại các DN sản xuất và nhập khẩu cũng sẽ thay đổi. Cách nào để các doanh nghiệp có thể xây dựng hệ thống xử lí rác điện tử triệt để và không làm nguy hại đến môi trường.
Bởi vì bản chất của rác điện tử rất nguy hiểm, một khi có một lượng lớn sản phẩm bị đưa ra môi trường mà chưa được xử lí, chúng có thể gây rò rỉ hóa chất và kim loại nặng ra không khí, đất, nước và thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, có thể gây ra các bệnh về ung thư, tim mạch... được ví như “quả bom hẹn giờ” đối với sự sống của trái đất.
Hiện nay, dưới áp lực gia nhập WTO, bên cạnh việc phải tuân thủ các quy định, luật pháp của chính phủ, thiết nghĩ các doanh nghiệp cũng nên có những định hướng chiến lược phát triển lâu dài bền vững vì mục tiêu cộng đồng.
Tái chế trong quản lý chuỗi cung ứng trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu không chỉ cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết bị điện tử, mà còn là bài toán hóc búa cho lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất nói chung vì mục tiêu phát triển bền vững cho công ty và cộng đồng trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Theo nguồn: moitruong.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét