Đến bãi rác Phú Hưng, điều đầu tiên dễ nhận thấy là rác chất to như núi với hàng chục ngàn tấn nhưng không được xử lý đúng cách, không có tường rào bao quanh nên ruồi nhặng, mùi hôi thối bay khắp khu dân cư.
Bà Phạm Thị Hồng Lộc, nhà cạnh bãi rác cho biết: "Do không có tường rào, không xử lý nước nên khi mưa nước từ trên đổ xuống gây ô nhiễm nguồn nước làm cá chết, cây trồng cũng không thể sống nổi".
Theo bà Lộc, một số hộ dân ở đây chịu không xiết nên kêu bán nhà, đất nhưng chẳng ai chịu mua vì rất sợ bãi rác. Nguồn nước ô nhiễm, gia đình bà Lộc phải đầu tư mấy triệu đồng mua ống nước để lấy nước máy, chấp nhận tốn mỗi tháng hơn 200 ngàn đồng tiền nước vì đường ống xa, hao hụt lớn. Tuy nhiên, rất nhiều người dân nơi đây không có tiền nên đành chấp nhận xài nước sông đã bị ô nhiễm nặng. Một số người bệnh ngoài da, lở loét còn trẻ em thì bị bệnh hô hấp, viêm mũi...
Ông Nguyễn Hồng Châu nhà cách bãi rác gần 1km cho biết: "Lâu lâu mùi hôi thối theo gió bay xuống khu dân cư rất khó chịu, khi họp tổ có kiến nghị người ta nói sẽ giải quyết nhưng đến nay thì đâu lại vào đó".
Người dân làm ruộng cạnh bãi rác thì liên tục vác đơn đi kiện vì lúa chuẩn bị trổ là bị hư hỏng do nước rác chảy vào ruộng. Ông Phan Thành Hiệp làm 2 công ruộng cạnh bãi rác cho biết: "Mùa này còn đỡ chứ tới mùa mưa nước từ bãi rác tràn xuống là lúa chết hết. Vì vậy tôi yêu cầu phải di dời bãi rác hoặc khắc phục làm sao không có nước tràn qua ruộng lúa của dân".
Theo một số người dân địa phương, trước đây bãi rác ở xa khu dân cư, lượng rác ít nên đỡ ô nhiễm. Tuy nhiên, thời gian gần đây lượng rác ngày càng nhiều nên họ chất cao thành núi và mua một số thửa đất ở cạnh bên lấn gần vào khu dân cư của người nên trình trạng ô nhiễm môi trường thêm nặng nề hơn.
Bãi rác khổng lồ như núi gây ô nhiễm môi trường
Ông Phạm Văn Tống, Chủ tịch UBND xã Phú Hưng, cho biết: “Bãi rác của Phú Hưng đã quá tải, gây ô nhiễm môi trường nên ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng xử lý tình trạng ô nhiễm tại bãi rác này". Theo ông Tống, đang có hướng xây dựng nhà máy xử lý rác, trong khi chờ đợi, chính quyền địa hương đề xuất Công ty công trình đô thị có hướng mở rộng diện tích để đào hồ xử lý rác, phun chế phẩm hóa chất để giảm ô nhiễm môi trường".
Những thửa ruộng kế bên bãi rác cũng liên tục bị mất mùa
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV công trình đô thị TP Bến Tre cho biết: "Bãi rác Phú Hưng hình thành từ năm 1990 với diện tích 2,6 ha, hoạt động đến năm 2009 thì đầy nên UBND TP Bến Tre cho mở rộng thêm 2,1 ha nữa. Đến năm 2013 mở rộng thêm 5.200m2 và lại tiếp tục đầy vào cuối năm 2014. Hiện tại mỗi ngày bãi rác tiếp nhận từ 100 đến 110 tấn rác từ TP Bến Tre và một số xã lân cận của huyện Châu Thành". Theo ông Vũ, mỗi ngày nhân viên đều thực hiện các giải pháp xử lý như phun, xịt nhằm giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường. Hiện tại một phần diện tích đã được phủ bạt. Tuy nhiên, một lượng lớn rác tồn tại từ rất lâu, chôn lấp không đúng cách nên gây ô nhiễm môi trường. Giải pháp lâu dài để khắc phục tỉnh trạng ô nhiễm môi trường là xây dựng lò đốt rác, nhà máy xử lý rác công nghệ cao.
Hiện tại, tỉnh Bến Tre đã lập "Dự án đầu tư xây dựng công trình đóng cửa bãi rác Phú Hưng" để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây. Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa được triển khai nên người dân vẫn còn chịu khổ với bãi rác lộ thiên khổng lồ này không biết tới chừng nào. Theo người dân nơi đây chỉ có đóng cửa hay di dời mới khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do bãi rác gây ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét